Doanh nghiệp cần hiểu đúng việc đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ

Để tránh bị chiếm đoạt nhãn hiệu, thậm chí bị quy kết làm hàng giả, hàng nhái, doanh nghiệp cần đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của mình, trước khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đơn đăng ký có thể gửi qua e-mail, cùng chi phí đăng ký một nhóm sản phẩm khoảng 335 USD.




Nhờ những cơ hội mới do Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) đem lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng đáng kể. Theo kết quả “Đánh giá tác động kinh tế của BTA” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương và Dự án hỗ trợ thúc đẩy thương mại STAR – Việt Nam phối hợp thực hiện, trong năm 2002, kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ của Việt Nam tăng 128% so với 2001. Tuy vậy, rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ là việc thiếu hiểu biết về hệ thống pháp luật của Mỹ, trong đó bao gồm cả hệ thống luật pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.


Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì, số đơn đăng ký nhãn hiệu, đăng ký kiểu dáng công nghiệp , đăng ký bản quyền Việt Nam ra nước ngoài theo thỏa ước Madrid (52 nước) chỉ mới là 54 nhãn hiệu, và số nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam xin đăng ký bảo hộ tại Mỹ là 164 nhãn hiệu. Con số này còn quá khiêm tốn so với 8.988 nhãn hiệu mà các doanh nghiệp Mỹ đăng ký tại Việt Nam. Ông Trần Việt Hùng – Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhận xét: “Tổng số hàng hóa đã được đăng ký và bảo hộ là trên 100.000 nhãn hiệu, trong đó hơn 20% là của doanh nghiệp Việt Nam và gần 80% là doanh nghiệp nước ngoài từ khoảng 100 nước khác nhau, nhiều nhất là các nước đang phát triển và trong khu vực. Mỗi năm, có hơn 12.000 đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp tại cơ quan đăng ký sở hữu công nghiệp Việt Nam. Con số này còn quá nhỏ khi ở Mỹ và một số nước phát triển khác đang tồn tại trên thị trường hàng triệu nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ và mỗi năm có hàng trăm nghìn nhãn hiệu xin đăng ký mới. Các vụ việc nhãn hiệu Việt Nam bị người nước ngoài chiếm đoạt, đặc biệt là ở Mỹ, hầu hết đều do ý thức của doanh nghiệp về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại nước ngoài còn quá thấp. Nếu các doanh nghiệp không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Mỹ kịp thời có thể xảy ra nhiều hậu quả xấu. Thí dụ: nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam có thể bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm đoạt, đăng ký trước như trường hợp cà-phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, thuốc lá Vinataba… Một nguy cơ nữa là hàng của doanh nghiệp Việt Nam có thể bị quy kết là giả, nhái của doanh nghiệp nước khác. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2001 đạt 1 tỷ USD, năm 2002 đã tăng lên 2 tỷ USD và dự kiến đạt 4 tỷ USD trong năm 2003. Ông Hùng cũng khẳng định, kết quả xuất khẩu rất có thể bị ảnh hưởng nếu xảy ra những tranh chấp về nhãn hiệu hàng hóa. Không nên cứ xuất khẩu chán chê rồi mới đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ làm một cách sơ sài rồi không theo đuổi đến cùng. Tốt nhất các doanh nghiệp nên đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trước khi xuất hàng vào thị trường Mỹ. Doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Việt Nam muốn giữ gìn, phát triển uy tín, thị phần của nhãn hiệu, cũng như sẵn sàng đối phó với các tranh chấp và vi phạm nhãn hiệu của mình tại thị trường đầy rủi ro này, nhất thiết phải hiểu biết đầy đủ hệ thống đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Mỹ.


Ông Hùng cho biết: Tháng 11-2003, Mỹ sẽ gia nhập Nghị định thư Madrid, một Nghị định thư về đăng ký quốc tế rất thuận lợi. Nếu Việt Nam cũng sớm tham gia Nghị định thư này thì việc đăng ký bằng con đường quốc tế sẽ rẻ, nhanh hơn cho các doanh nghiệp.





No comments:

Post a Comment