Đó là lý do người ta cười hô hố khi xem phim Ngọc Trinh

Thay vì nghĩ đến một Ngọc Trinh ngô nghê thật thà, người ta lại nghĩ rằng cô "màu mè" và thích tô vẽ nhiều hơn.


Có một thực tế là, thay vì lấy nước mắt của người xem như mong đợi, thì buổi công chiếu bộ phim "Vòng eo 59" ở Hà Nội diễn ra với nhiều tràng cười nghiêng ngả.

Vì "Vòng eo 56" không phải là một bộ phim hài. Đây là một bộ phim tình cảm - dựa trên một câu chuyện (được cho là) có thật của cô với rất nhiều chi tiết bi kịch, khốn khổ, lừa lọc...

Nhưng tại sao khán giả lại cười? Họ cười vì những chi tiết được lồng ghép một cách gượng ép và không kém phần vụng về trong kịch bản của một bộ phim từng được mong đợi sẽ rất đời và rất thật.

Để kể một câu chuyện rất đời ấy, thay vì tả thực với những góc khuất gây xúc động và ám ảnh người xem, đạo diễn lại lựa chọn cách viết truyện cổ tích với những chi tiết phi logic, thiếu hợp lý và có vẻ hơi "hoang đường".

Chính điều này khiến những nhân vật trong phim trở nên thiếu nhất quán về mặt tâm lý và tính cách. Khi đặt vào những bước chuyển mang tính quyết định số phận đã tạo ra sự phi lý gây buồn cười.


Sống cuộc sống vất vả, lam lũ, bộ mẹ cũng đen đúa khổ cực nhưng 4 anh em của Ngọc Trinh ai cũng nõn nà, "cường tráng" như siêu mẫu

Sự đối lập phi lý trong tạo hình nhân vật

Nửa đầu bộ phim tái hiện lại quá khứ đói khổ, cơ cực của gia đình Ngọc Trinh ở vùng quê nghèo miền Tây cách đây mười mấy năm.

Những cảnh quay 4 anh em Ngọc Trinh cao lớn lênh khênh nằm chung trên một chiếc giường, mỗi lần mưa không kịp chạy lại ướt hết người, cảnh bố Ngọc Trinh bao phen bị người ta chửi rủa đáng đập xúc phạm vì không có tiền trả nợ gây xúc động.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trái ngược với tạo hình khắc khổ đen đúa của hai nhân vật bố mẹ thì 4 anh em trong gia đình Ngọc Trinh lại trắng trẻo nõn nà. Riêng Ngọc Trinh còn sở hữu mái tóc suôn mượt như vừa hấp dầu trong các đoạn phim quảng cáo.

2 anh trai Ngọc Trinh thì sở hữu thân hình 6 múi, tóc tai "vuốt vuốt các thứ" theo model thịnh hành nhất của năm 2016 chứ không giống như thanh niên quê sống trong cảnh bần hàn.

Việc lựa chọn diễn viên và tạo hình này đã tạo nên sự đối lập phi lý giữa 2 lớp nhân vật, khiến cái nghèo cái khổ được kể trong phim chỉ giống như là để minh họa.


Vai diễn bố Ngọc Trinh (do Công Ninh đóng) được nhận xét là "cái nghèo khổ" duy nhất được thể hiện xúc động trong bộ phim

Cư xử gượng ép, thiếu logic trong tính cách nhân vật

Từ đầu đến cuối phim, Ngọc Trinh được dựng lên với một nét tính cách thánh thiện và sáng trong như cây cỏ. Trước mọi bi kịch đang xảy đến với mình, Ngọc Trinh chỉ biết khóc.

Hồi nhỏ, có một lần Ngọc Trinh đập lợn tiết kiệm để đi mua 1 chiếc vương miện nhưng bị bạn khác giật khỏi đầu và dẫm nát, cô bé khóc nhặt về.

Lớn lên, khi chị gái tức tối khi gia đình suốt ngày bị người ta ức hiếp đã xin bố mẹ cho lấy chồng Đài Loan, Ngọc Trinh cũng chỉ biết ngồi nhìn với đôi mắt ươn ướt nước.

Thế nhưng, chính cô bé đó lại ngồi "mỉa mai" một cô gái bán bia ôm vì lỡ miệng rủ rê mình làm nghề với một câu thoại rất ghê gớm, đanh đá: "Thà làm công việc nặng cái thân nhưng nhẹ cái đầu còn hơn để người ta chửi".

Khi lên Sài Gòn kiếm tiền, Ngọc Trinh luôn thể hiện mình là một con người có cốt cách cao đẹp, trong sáng. Không bị cám dỗ bởi vật chất, nhiều lần từ chối những món tiền lớn để giữ nhân cách của mình.

Cô cũng sẵn sàng đem trả những món quà hàng hiệu đắt tiền cho vị đại gia (sau này là người yêu của cô) cũng vì những lý do tương tự.

Bởi vậy nên khi Ngọc Trinh thản nhiên nhận món quà là một căn nhà hoành tráng, tiện nghi chỉ sau 8 ngày quen biết (và đã nhân lời yêu) khiến khán giả thấy vô cùng "buồn cười" và khó hiểu.

Điều này cũng xảy ra tương tự với nhân vật Khắc Tiệp (do Lương Mạnh Hải thủ vai). Khắc Tiệp sẵn sàng chửi và tát vào mặt một cô người mẫu vì rủ rê mình tham gia vào đường dây bán dâm để kiếm hoa hồng.

Thế nhưng, cũng chính Khắc Tiệp lại bị lóa mắt và thản nhiên nhận các món quà đắt tiền do vị đại gia kia đem tặng. Sau đó, còn tìm đủ cách (thậm chí là nói dối) để tác hợp cho Ngọc Trinh với vị đại gia.


Tính cách của cả Ngọc Trinh lẫn Khắc Tiệp đều được xây dựng thiếu nhất quán trước đồng tiền.

Xem phim Ngọc Trinh, khán giả có cảm giác tất cả các nhân vật đều là những nhà truyền giáo, những nhà đạo đức đang ca ngợi một cuộc đời thanh sạch, sáng trong,... lại theo một kiểu rất nhạt nhẽo và sáo rỗng.

Những câu thoại chứa đựng nội dung ấy cũng được đưa vào phim bằng một cách khá gượng gạo, sống sượng và thiếu thuyết phục.

Có thể nói, lời thoại trong 'Vòng eo 56", nhất là ở những đoạn "hô khẩu hiệu" và "làm màu" theo kiểu thanh minh, giải thích là một điểm trừ không nhỏ của bộ phim.

Thiết nghĩ, vốn trước nay, để hiểu đúng về một người, rất ít khi người ta chỉ nghe những lời kể lể. Họ sẽ quan tâm đến những việc bạn làm, những điều bạn đã cố gắng và thay đổi.

Vậy nên, có thể sau bộ phim này, cái mục đích để mọi người hiểu cô hơn sẽ không thực hiện được. Thậm chí, thay vì nghĩ đến một Ngọc Trinh ngô nghê thật thà, người ta lại nghĩ rằng cô "màu mè" và thích tô vẽ nhiều hơn.

Còn nếu làm phim "để đời" như một dấu mốc quan trọng trước tuổi 30, và để kiếm tiền khi tên tuổi của mình vẫn đảm bảo sức hút doanh thu với các phòng vé, thì có lẽ "Vòng eo 56" đạt được.

theo Trí Thức Trẻ

No comments:

Post a Comment