Với áp lực già hóa dân số và việc duy trì quy mô phát triển của nền kinh tế như hiện nay, Nhật Bản đang cần một lượng lớn lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo số liệu của METI, đến năm 2020, Nhật Bản thiếu khoảng 50.000 nhân lực công nghệ thông tin. Đây là cơ hội lớn cho không chỉ các doanh nghiệp công nghệ thông tin mà còn cho các kỹ sư công nghệ trẻ của Việt Nam.
100 học viên khóa 3 của Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối trong Lễ khai giảng ngày 6/10 tại Nhật.
Học để tìm cơ hội phát triển
Đang làm nghiên cứu tại một công ty sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới, Lê Trọng Quân – cựu sinh viên trường Đại học Bách Khoa vẫn quyết định xin nghỉ để tham gia một chương trình đào tạo Kỹ sư cầu nối tại Nhật trong vòng một năm. Tham gia chương trình này, Quân sẽ phải chịu nhiều áp lực, đặc biệt là phải đạt được chứng chỉ tiếng Nhật N2 trong vòng một năm, trong khi để có được chứng chỉ này thông thường phải mất khoảng hai năm học bán thời gian tại Việt Nam và khoảng 18 tháng học toàn thời gian tại Nhật Bản. Với Quân, đây còn là cơ hội lớn cho tương lai sau này. Quân cho biết: "Khoản tiền vay của ngân hàng không nhỏ nên tôi sẽ phải cố gắng vừa học vừa làm thêm tại Nhật để tất toán sau thời gian học. Vượt qua được khóa học này, tôi tin rằng mình sẽ trở thành một kỹ sư cầu nối và có một sự nghiệp ổn định, được làm việc với Nhật Bản, một đất nước mà tôi ngưỡng mộ từ rất lâu".
Phạm Văn Tú, một kỹ sư công nghệ thông tin thế hệ 9x đang làm lập trình viên cho một công ty phần mềm lớn với mức thu nhập và cơ hội phát triển khá tốt cũng quyết định nghỉ việc để thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư cầu nối (BrSE – Bridge Software Engineer) tiếng Nhật thông qua việc chuyên tâm học tập một năm tại Nhật. Anh chia sẻ: "Chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối của FPT Software đã tạo cơ hội để tôi sớm hiện thực hóa ước mơ của mình, cơ hội tự tin tham gia sân chơi công nghệ toàn cầu. Với tôi, kỹ sư cầu nối là con đường ngắn nhất để tiếp cận môi trường làm việc hiện đại và chuyên nghiệp hàng đầu trên thế giới, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi thách thức".
Hiện nay, tùy thuộc vào năng lực chuyên môn và khả năng tiếng Nhật, một kỹ sư cầu nối tiếng Nhật có thể được doanh nghiệp trả mức thu nhập từ 2.000 USD đến 3.000 USD một tháng (tương đương 43 – 65 triệu đồng một tháng). Ví như FPT Software, doanh nghiệp có tới 50% doanh thu đến từ thị trường Nhật Bản đang trả cho các kỹ sư cầu nối làm việc tại đây là 4,2 triệu Yên Nhật một năm (tương đương 740 triệu đồng một năm).
Nhu cầu thực tế
Để đảm bảo tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, Chính phủ Nhật Bản dự báo cần tăng số lượng nhân lực nước ngoài lên gấp hai lần so với năm 2014, nghĩa là cần khoảng 60.000 người. Bên cạnh đó, để triển khai các kế hoạch lớn như Olympic 2020, My Number, các dự án nâng cấp công nghệ trong các lĩnh vực ngân hàng, điện lực, chuyển đổi công nghệ theo xu hướng công nghệ Mobility, Cloud… Nhật Bản cũng đang cần nhiều nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Theo số liệu của Bộ Kinh tế công thương Nhật Bản (METI), đến năm 2020, Nhật Bản thiếu khoảng 50.000 nhân lực CNTT. Còn theo khảo sát của Cơ quan xúc tiến CNTT Nhật Bản (IPA), trong 5 năm gần đây, có trên 60% doanh nghiệp Nhật khẳng định thiếu và rất thiếu nhân lực CNTT. Đặc biệt là tình trạng "rất thiếu nhân lực" CNTT đang gia tăng mạnh mẽ, nếu trong năm 2009, chỉ có 5% các doanh nghiệp Nhật Bản trả lời "rất thiếu nhân lực" CNTT thì đến năm 2013, con số này là 19%, tăng gấp gần 4 lần.
Nhằm giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề trên, Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) dự kiến trong năm 2016 sẽ xem xét việc thực hiện chương trình mời các kỹ sư đã tốt nghiệp đại học CNTT tại các nước châu Á sang Nhật học tiếng và giới thiệu cơ hội việc làm tại các công ty của Nhật. Mục tiêu của chương trình là thu hút sự tham gia khoảng 10.000 kỹ sư.
Trước đó, phát biểu tại Lễ khai giảng khóa đầu tiên của "Chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối của FPT Software", một đại diện Cục chính sách thương mại và công nghệ thuộc METI, cũng đã khẳng định Chính phủ Nhật đang có kế hoạch linh hoạt hóa hơn nữa nền kinh tế, tạo ra môi trường ngày càng thuận lợi để tiếp nhận nhân tài nước ngoài. Đặc biệt, để có thể tiếp nhận nguồn nhân lực xuất sắc trong lĩnh vực CNTT, METI đã có thỏa thuận với Việt Nam và các nước châu Á về việc chấp nhận qua lại chứng chỉ kỹ sư CNTT. Những kỹ sư nào có chứng chỉ này sẽ được nới lỏng hơn việc xét duyệt visa nhập cảnh. METI đang tích cực cân nhắc các chính sách tạo điều kiện cho học sinh nước ngoài du học tại Nhật Bản, giới thiệu du học sinh cho các doanh nghiệp địa phương.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ráo riết tìm người để thực hiện các dự án với đối tác Nhật Bản. Ông Hoàng Việt Anh, Tổng giám đốc FPT Software, cho biết: "Mới đây, công ty đã đạt được những cam kết cụ thể với khách hàng Nhật trong việc đẩy mạnh khối lượng công việc tại mảng CNTT về Việt Nam. Theo đó, để phục vụ cho khách hàng trọng điểm tại thị trường Nhật, trong vòng 2-3 năm tới, FPT Software cần khoảng 4.000 – 5.000 kỹ sư cầu nối".
Kỹ sư cầu nối (Bridge Software Engineer – BrSE) là kỹ sư CNTT có khả năng giao tiếp thuần thục tiếng Nhật (trình độ tiếng Nhật trên N2). BrSE đóng vai trò quan trọng trong dự án, giúp xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, làm việc trực tiếp với khách hàng, kết nối giữa khách hàng và người làm kỹ thuật để đảm bảo tiến độ công việc và chất lượng của dự án.
Hải My
Bạn muốn đi hãy đăng ký ngay:
Ky su Nhat Ban
Thuc Tap Sinh Nhat Ban
Cong ty xuat khau lao dong uy tin
No comments:
Post a Comment