Người hát rong bị hất bia đã làm gì nên tội để bị sỉ nhục nhân cách?

Vừa hát vừa mời khách mua kẹo, chàng trai hát rong hoàn toàn bất ngờ khi bị một thanh niên giật micro. Bàng hoàng hơn là chàng hát rong bị người này hất ngay một li bia vào người vì… tội hát nhép.

Người hát rong sau khi bất ngờ bị giật mic nhưng tiếng hát vẫn còn khiến anh cảm thấy lúng túng không biết phản ứng như thế nào. Chưa kịp nói lời xin lỗi hay phân trần, ngay lập tức người khách giật micro của anh đã đứng dậy hất ngay một li bia vào người anh.


Người hát rong bị hất bia trong video clip (Ảnh cắt từ clip)

Tạt bia là để dạy dỗ

Đoạn clip chưa đầy 2 phút ở một quán nhậu này đã gây được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người lên án hành động của người khách đã ra tay giật micro rồi tạt bia vào mặt chàng trai hát rong là khiếm nhã, quá đáng.

Bạn P.H.M chia sẻ: “Người ta kiếm miếng ăn. Phát hiện ra thì không mua cho người ta thôi. Sĩ gái. Ông cứ làm như ông bỏ tiền ra để đi nghe concert hay sao.”.

Bạn Tài Anh bình luận: “Ca sĩ tầm cỡ quốc tế đi concert còn hát nhép các kiểu, nói gì đến người đi hát rong. Hơn nữa người ta mời mua kẹo chứ có phải tới đòi tiền hát đâu. Không thích có thể từ chối, chửi bới gì còn chấp nhận được. Đằng này hất nguyên li bia vào mặt người ta”.

Thông thường những người hát rong sẽ vào các quán ăn để hát, rồi vừa hát vừa mời mua bánh kẹo hoặc xin tiền. Xem video này lại càng thấy xót xa cho thân phận của họ. Mỗi ngày lao động kiếm sống không biết kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng phải tiếp xúc với hàng trăm hàng ngàn lần từ chối. Con người luôn cảm thấy khó chịu khi bị từ chối. Chỉ cần bị từ chối vài lần thôi là đã đủ làm hầu hết những người bình thường phát nản. Vậy mà những người hát rong, biểu diễn đường phố vẫn cứ phải làm điều đó mỗi ngày, hoặc thậm chí còn tệ hơn thế, như người hát rong trong đoạn clip này không chỉ bị từ chối mà còn bị tạt bia.


Cộng đồng mạng tỏ ra khá bất bình với hành động hất bia vào người hát rong. (Ảnh chụp màn hình)

Điều đáng buồn hơn là có người còn ủng hộ hành động hất li bia của người thanh niên. Anh ta cho rằng hành động này đã dạy được kẻ lừa đảo “một bài học”. Bình luận viết trên mạng xã hội: “Giả dối phải nhận được bài học, có thể đau, có thể không hợp lí nhưng con người sẽ được chia ra 2 loại sau biến cố này. Âu cũng là cái giá phải trả cho việc bán rẻ tự trọng và lương tâm.”.

Ngay lập tức bình luận này bị một cư dân mạng phản pháo: “Theo ông thì nó bán rẻ cái gì. Nó mà hát hay được như thế đã không phải đi bán kẹo. Cái kẹo đáng bao tiền. Coi như người ta phục vụ âm nhạc mình mua cái kẹo ủng hộ đi thì làm sao đâu mà phải giả với dối .”

Chúng ta có cái tôi thật lớn

Nếu chỉ bán kẹo đơn thuần thì không hiệu quả bằng bán kẹo có âm nhạc, nên nhiều người đã dùng âm nhạc để gây sự chú ý. Dường như anh chàng hất bia đã có sự nhầm lẫn. Ở đây người hát rong thật ra chỉ bán kẹo chứ không bán tiếng hát. Nghĩa là không ai trả tiền cho anh ấy vì bài hát ấy cả. Cho nên dù anh ấy có hát thật hay hát nhép, thì cũng chẳng lừa đảo ai để phải bị trừng phạt như vậy.


Đời lang thang đường phố kiếm sống có bao giờ vui mà còn phải mang thêm tiếng lừa đảo. (Ảnh: Internet)

Vì sao với những người bán hàng rong, vé số, chúng ta chỉ từ chối bình thường hay thậm chí là lễ độ hết sức, nhưng với anh chàng kéo loa bán kẹo, chúng ta lại nặng nề chuyện anh ta có hát thật hay hát nhép? Người thanh niên hất bia nghĩ rằng anh ta đã bị lừa. Hẳn là một cú lừa rất đau mới khiến anh ta đủ giận dữ để hất cả li bia vào mặt người khác.



Người thanh niên đó có lẽ đã nghĩ rằng anh ta phải được phục vụ bằng âm nhạc thật dù chả bỏ một đồng nào. Cái tôi cao ngút trời cho phép anh ta có quyền dạy người khác phải thành thật như thế nào dù chả ai lừa gạt gì anh. Vì sao chúng ta nghĩ rằng bất cứ ai hễ cầm micro hát là phải hát thật, thậm chí khi họ chỉ kiếm tiền bằng những thanh kẹo chứ không phải từ việc hát?

Có thu nhập cao hơn, được giáo dục đầy đủ hơn, có công việc tốt hơn không phải là những lí do cho phép chúng ta được quyền phán xét người khác dựa trên những mong muốn của cá nhân mình. Chúng ta có được những điều kiện tốt hơn không hẳn là do chúng ta giỏi giang hơn, xứng đáng hơn mà phần nhiều là bởi chúng ta may mắn hơn những kẻ nghèo khổ đang lay lắt ngoài kia. Và nếu đã đứng trên người khác vì may mắn, xin bạn cũng đừng quá tự hào mà đòi hỏi những người đang chật vật mỗi ngày để kiếm sống phải làm gì cho bạn để hợp với quy chuẩn đạo đức do bạn tự đặt ra.

Một li bia tạt không chỉ làm ướt người hát rong, mà còn nhấn chìm cả nhân phẩm của họ dù họ chả làm gì sai!

Nguồn : http://ift.tt/1UdNhH8


No comments:

Post a Comment